Sáng tạo dựa trên những giá trị truyền thống là xu hướng cần được khuyến khích. Ảnh: TRẦN HUẤN
Tuy nhiên vẫn cần những chính sách khuyến khích xu hướng này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, mang đến những tác phẩm độc đáo, giàu bản sắc và đầy tính thời đại, đóng góp vào thành công của ngành công nghiệp văn hóa.
Chất liệu quý giá cho nghệ thuật
Văn hóa nghệ thuật dân gian là kết tinh những giá trị tinh thần của cộng đồng, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Đó là những câu chuyện cổ tích, những bài ca, những điệu múa, trò chơi dân gian... chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, nét đẹp vùng miền.
Trong xã hội hiện đại, văn hóa nghệ thuật dân gian vẫn giữ một vai trò quan trọng, không chỉ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Các nghệ sĩ đã tìm thấy trong kho tàng ấy những chất liệu quý giá để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, văn học, nghệ thuật đang có cơ hội để phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian, từ những dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống… đang dần được khôi phục cả trong các sáng tác mới và trong các sản phẩm văn hóa, đến sự sáng tạo của các nghệ sĩ khai thác tranh sơn mài trong các tác phẩm của mình đều có những thành công nhất định.
Đặc biệt, trong lĩnh vực âm nhạc với sự sáng tạo của các nhạc sĩ khai thác các chất liệu dân ca trong rất nhiều bài hát đi vào lòng người suốt thời gian kháng chiến cho đến hôm nay. Gần đây nhất là sự xuất hiện những ca khúc mới, các MV âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ.
Những tác phẩm này là sự tìm tòi sáng tạo nhằm khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian vào âm nhạc hiện đại để phục vụ khán giả, nhưng đồng thời cũng là một cách để bảo tồn các giá trị truyền thống của cha ông.
Việc phát huy các giá trị văn hóa dân gian ngày càng cho thấy đây là một tiềm năng to lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận định về xu hướng tìm về văn hóa truyền thống, khai thác giá trị xưa để tạo ra sản phẩm đương đại, TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những người trẻ tìm thấy trong kho tàng truyền thống nguồn tài nguyên rất tốt để có thể sáng tạo những chất liệu, sản phẩm mới phục vụ đời sống đương đại nhưng vẫn đậm nét dân tộc.
Đây là một cách huy động và khai thác giá trị văn hóa truyền thống trong công nghiệp văn hóa và sáng tạo khá phổ biến trên thế giới, vốn thường thấy ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo TS Lư Thị Thanh Lê, người trẻ đã thấy văn hóa truyền thống không chỉ là thứ để họ học hỏi, bảo tồn, mà là một nguồn tài nguyên độc đáo, giá trị. Nếu họ chạm được vào truyền thống, sẽ tạo ra cái gì đó mới mẻ, thú vị và tạo ra giá trị về kinh tế.
Xu hướng này hứa hẹn vừa góp phần bảo tồn, giúp mọi người biết nhiều hơn về văn hóa Việt, vừa có thêm các sản phẩm mới chất lượng, thu hút công chúng hiện nay…
Cách tân, biến tấu dựa trên giá trị cốt lõi
Những mô hình dự án, sản phẩm nghệ thuật thành công, tạo ấn tượng cho thấy, đây là thời điểm mà các giá trị văn hóa dân gian có cơ hội được phát huy mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực sáng tạo đương đại, các ngành công nghiệp văn hóa, trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hành trình đưa truyền thống vào trong nghệ thuật đương đại cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là nguy cơ mai một văn hóa gốc. Việc cách tân, biến tấu quá mức có thể làm mất đi giá trị cốt lõi của văn hóa dân gian.
Bên cạnh đó, việc thiếu hiểu biết sâu sắc có thể dẫn đến việc sử dụng sai lệch, méo mó các yếu tố truyền thống. Bởi vậy, cần song hành bảo tồn giúp giữ gìn những giá trị cốt lõi của văn hóa đồng thời với phát huy giúp đưa những giá trị đó vào cuộc sống đương đại, tạo ra những giá trị mới.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, nhận định: Sáng tạo là không giới hạn để đưa di sản trở lại đời sống, được công chúng chấp nhận.
Dù vậy, sáng tạo ấy cần dựa trên sự hiểu biết về giá trị cốt lõi của di sản, kể câu chuyện này như thế nào để không thành xuyên tạc, “đánh tráo”, “làm mất gốc di sản”. Nếu không hiểu biết về di sản, không biết cách làm, không có tâm, thì càng làm tốt có thể lại càng sai…
Khó khăn trong việc tiếp cận khán giả trẻ cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Một số hình thức nghệ thuật dân gian có thể bị coi là “lỗi thời”, “khó hiểu” đối với giới trẻ. Bởi vậy, cần có những cách thức truyền tải mới mẻ, hấp dẫn: Hiện đại hóa hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian, kết hợp các yếu tố công nghệ như ánh sáng, âm thanh, hình ảnh 3D; sản xuất các sản phẩm phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử... lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ; tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo không gian giao lưu, trải nghiệm cho giới trẻ.
Nhiều nghệ sĩ, nhóm nghệ thuật gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, không gian biểu diễn... để thực hiện các dự án sáng tạo. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ từ nhà nước, tổ chức văn hóa còn chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nghệ sĩ.
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các dự án bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, có cơ chế hỗ trợ, chính sách khuyến khích các dự án sáng tạo nghệ thuật đương đại…
Với nỗ lực của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa và toàn xã hội sẽ thúc đẩy tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam chinh phục công chúng trong nước và toàn cầu, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.
(Theo: baovanhoa.vn)